Học thuyết khoa học là gì ?

Học thuyết khoa học là gì ?

Trong quá trình học tập chắc các bạn đã nghe nói đến những từ như học thuyết, tiên đề, định luật, định lý… rồi đúng không. Nhưng không phải ai cũng biết ý nghĩa của những khái niệm đó. Để có được cái nhìn tổng quát về khoa học tự nhiên thì các bạn cần nắm được những khái niệm này. Trong bài viết này mình sẽ nói cơ bản về những khái niệm này.

Trước hết là ” thế nào là một học thuyết khoa học ?”

Một thuyết khoa học là một cách giải thích một lĩnh vực nào đó của thế giới tự nhiên, được kiểm nghiệm qua những quan sát và thực nghiệm.

Ví dụ: học thuyết tế bào, hình học cổ điển, thuyết tương đối….

Tiên đề

Một tiên đề là một đề xuất được coi như luôn đúng mà không thể và không cần chứng minh. Tiên đề có thể được rút ra từ những quan sát thực tế của tự nhiên hoặc cũng có thể do người đề xuất học thuyết đặt ra.
Một hệ thống tiên đề hay gọn hơn hệ tiên đề là một tập hữu hạn các tiên đề thoả mãn điều kiện là các suy diễn logic trên hệ thống tiên đề này không thể xảy ra mâu thuẫn. Các học thuyết khoa học đều được xây dựng trên các hệ tiên đề.
Vd: hình học cổ điển được xây dựng dựa trên các tiên đề Euclid.

Bất cứ một khẳng định (hay đề xuất) nào đưa ra đều cần được giải thích hay xác minh bằng một khẳng định khác. Và vì nếu một khẳng định được giải thích hay xác minh bằng chính nó thì khẳng định đó sẽ không có giá trị, nên cần phải có một (hay một số) khẳng định được công nhận là đúng để làm chỗ bắt đầu và giải thích những đề xuất, khẳng định khác. Tiên đề chính là chỗ bắt đầu đó.

Định lý

Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên toán học vì thế định lý ở đây mình nói đến là định lý toán học, thay cho định lý khoa học nói chung. Một định lý toán học là một mệnh đề toán học đã được, hoặc cần được chứng minh dựa trên một số hữu hạn các tiên đề và quá trình suy luận. Chứng minh các định lý là hoạt động chủ yếu trong ngành toán học. ( mệnh đề toán học là phát biểu có giá trị chân lý đúng hoặc sai. Vd: mặt trời mọc hướng tây(sai), người bình thường có 2 tay(đúng)…)
Như đã nói ở phần tiên đề phía trên, những khẳng định được coi là đúng lúc đầu là những tiên đề, những khẳng định được suy ra từ chúng là những định lý.

Định luật

Một định luật là một sự khái quát hóa một cách khoa học dựa trên các quan sát thực nghiệm. Chúng là các kết luận rút ra từ tự nhiên, hay giả thuyết được kiểm nghiệm bởi các thí nghiệm và các quan sát thực tế.
Định luật cũng giống như tiên đề , không có chứng minh, có thể bổ sung nó vào hệ tiên đề.

Vd: định luật vạn vật hấp dẫn của newton, do ông quan sát thấy mọi vật đều trên trái đấy đều bị hút về phía tâm trái đất nên ông ra rút ra định luật này, không có 1 chứng minh nào ở đây. Nó chỉ do quan sát và thực nghiệm rồi rút ra.

Tổng kết

Qua những giải thích về những khái niệm ở trên chắc hẳn các bạn đã có được cái nhìn tổng quát về khái niệm học thuyết khoa học rồi đúng không. Nói tóm lại mọi học thuyết khoa học đều được xây dựng trên các tiên đề, định luật, rồi từ đó rút ra những định lý. Nhưng không phải học thuyết nào cũng có định luật, ví dụ như toán học vì toán học không được xây dựng từ thực nghiệm nên nó sẽ không có các định luật. Một ví dụ khác như cơ học lý thuyết cũng sẽ không có các định luật, chính như tên gọi của nó, nó được xây dựng trên các tiên đề và từ đó tự suy luận ra những định lý, không có dính dáng gì đế thực nghiệm ở đây.

Cảm ơn bạn đã theo dõi.